Phú Yên hiện có 06 huyện, 02 thị xã và 01 thành phố trực thuộc tỉnh; có 106 xã, phường, thị trấn; 602 thôn, buôn, khu phố với 263.329 hộ dân. Theo kết quả điều tra hộ nghèo cuối năm 2024, toàn tỉnh Phú Yên có 6.483 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,44%) và có 15.793 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,95%); hộ nghèo vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung của cả nước; việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, khả năng tự đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế…Thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, nên dù có tiềm năng để phát triển nhưng tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn từ đó làm ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo của địa phương.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên, đề ra mục tiêu cụ thể là phấn đấu không còn hộ nghèo (không tính hộ nghèo không có khả năng lao động) và giảm 1/3 hộ cận nghèo so với đầu kỳ (giai đoạn 2022-2025) theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Từ những mục tiêu như vậy, để cùng với tỉnh Phú Yên tạo điều kiện để người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập cho người dân, có cuộc sống ổn định, hạn chế tái nghèo góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành Đề án “Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững”, giai đoạn 2024-2029 (Đề án), trong đó chọn 06 mô hình hiệu quả, nguồn vốn chi phí thấp để nhân rộng trên địa bàn tỉnh cụ thể: Mô hình “Hỗ trợ nuôi bò sinh sản”; “Nuôi con Dúi và Dúi thương phẩm”; “Nuôi Ốc bươu đen (Ốc Lác)”; “Trồng các loại nấm: nấm rơm, nấm sò, nấm bào ngư”; Mô hình trồng Sương sâm và Mô hình nuôi gà thương phẩm, nuôi gà Ai Cập.
Dự kiến kinh phí vận động 20 tỷ đồng. Số lượng hỗ trợ: 1.000 hộ. Số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ; kết quả đến nay Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh vận động số tiền hơn 23,170 tỷ đồng (trong đó cấp tỉnh hơn 14,757 tỷ đồng), Trên cơ sở Đề án, xây dựng kế hoạch 40/KH-MTTQ-BTT, ngày 21/10/2024 về thực hiện Đề án “Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững”, 2024-2029 (đợt 1), qua triển khai Kế hoạch đến nay có 557 hộ đăng ký tham gia triển khai các mô hình trong Đề án (như: nuôi bò sinh sản 491 hộ; nuôi gà thương phẩm, nuôi gà Ai Cập 48 hộ; trồng sương sâm 13 hộ; trồng các loại nấm 3 hộ; nuôi dúi giống và dúi thương phẩm 2 hộ), dự kiến đầu năm 2025 sẽ giải ngân số tiền 11,140 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ tham gia Đề án. Đối tượng hỗ trợ là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) và phụ nữ thuộc hộ nghèo. Kết thúc thời gian triển khai đề án, dự kiến sau 3 năm (36 tháng) các hộ được hỗ trợ vốn phải hoàn trả cho đề án 30% số tiền đã hỗ trợ đối với hộ nghèo với số tiền 6.000.000 đồng/20.000.000 đồng/hộ nghèo; 40% số tiền đã hỗ trợ đối với hộ cận nghèo: 8.000.000 đồng/20.000.000đồng/hộ cận nghèo cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố để luân chuyển cho các hộ nghèo, cận nghèo khác trong huyện.
Trong quá trình thực hiện đề án, trường hợp triển khai thực hiện đề án gặp phải thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc người dân tham gia dự án bị chết đột ngột nên mất khả năng chi trả lại nguồn vốn và các nguyên nhân bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật dẫn đến việc triển khai đề án không có kết quả đầu ra theo kế hoạch thì người có thẩm quyền phê duyệt đề án phải xem xét, quyết định việc dừng, tạm dừng, hủy bỏ mô hình hoặc thu hẹp phạm vi của đề án, đồng thời kịp thời tạm dừng quay vòng vốn để xử lý và tổ chức thu hồi vốn hỗ trợ theo thẩm quyền.
Có thể nói, việc thực hiện hỗ trợ vốn sinh kế cho hộ nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; nhằm góp phần tạo sinh kế, giúp bà con nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giúp hộ dân thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch từ việc họp xét hộ thụ hưởng đến lựa chọn nội dung đầu tư. Từ đó, người dân nhận thức rõ hơn về chủ trương trương đúng đắn của Đảng, chính sách của nhà nước về công tác giảm nghèo, tạo động lực cho các hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Xác định đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc và sự quan tâm đặc biệt của cả cộng đồng đến người nghèo, chính vì vậy, để việc hỗ trợ đúng đối tượng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng với cấp huyện, cấp xã phối hợp khảo sát, tập huấn, gặp gỡ các hộ dân tham gia mô hình; tổ chức đối thoại với các hộ dân để các hộ ký cam kết thực hiện đề án. Trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chương trình giảm nghèo bền vững, huy động sức mạnh của cả cộng đồng cùng chăm lo cho người nghèo theo phương châm “ lấy sức dân để lo cho dân”, hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ vốn sinh kế cho hộ nghèo dưới hình thức hỗ trợ cho hộ nghèo vay không tính lãi, đồng thời hướng dẫn cho hộ nghèo về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai, đảm bảo hoàn thành các hạng mục hỗ trợ sinh kế từ nguồn “Quỹ Vì người nghèo” của tỉnh đảm bảo theo kế hoạch đề ra... thiết thực tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động./.
Võ Thị Kim Oanh, Uỷ viên Thường trực,
Trưởng ban Phong trào